Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

TRÁI TIM ME ̣TOÀN THẮNG

Chương 13 - Trái Tim Mẹ - Vô Nhiễm Nguyên Tội

Để thấu triệt chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội”, Mầu Nhiệm Maria cần phải được sáng tỏ trước đã. Mầu Nhiệm Maria bao gồm 5 chân lý sau đây: 

1- Thiên Chúa dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài. 

2- Thiên Chúa yêu Mẹ trên hết mọi sự. 

3- Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ. 

4- Thiên Chúa làm những sự trọng đại nơi Mẹ. 

5- Thiên Chúa làm mọi sự vì Mẹ và cho Mẹ. 

CHÂN LÝ 1:  

Thiên Chúa Dựng Nên Mẹ Cho Một Mình Ngài.

Thiên Chúa, như Ngài đã mạc khải cho Moisen từ trong bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, là chính “Sự

Có” (XAC 3:14). Thiên Chúa là chính “Sự Có” đây là gì, nếu không phải, như Ngài đã minh định với thánh Gioan tông đồ, người được thị kiến và đã viết cuốn Kinh Thánh cuối cùng là sách Khải Huyền, “Ta là Alpha và Omega, Đấng đang có, đã có và sẽ đến, Đấng toàn năng” (KH 1:8), hay, “Ta là Alpha và Omega, là Nguyên Ủy và là Cùng Đích” (KH 21:6).

Bởi Thiên Chúa là chính “Sự Có” mà Ngài Tự Có và Hằng Có, vô biên, bất tận. Ngôn ngữ thần học quan niệm Ngài là Hiện Thể Thuần Túy. Đã là chính “Sự Có”, Thiên Chúa phải là Đấng vô cùng toàn hảo và viên mãn, không thiếu thốn hay cần gì, trái lại, từ bản tính toàn hảo và sự sống vô cùng viên mãn bên trong của Mình, Ngài còn muốn thông Mình ra bên ngoài nữa. Do đó, “mọi sự” đã “có” bởi “ý muốn” của “Đấng Có” là Thiên Chúa. 

“Sự có” nơi mọi tạo vật được Thiên Chúa là “Đấng Có” dựng nên, dầu sao, cũng không phải là “Sự Có” hay là Thiên Chúa, “Đấng Có”. Là vì, mọi sự không từ bản tính của Thiên Chúa mà “có” một cách bẩm sinh, như Ngôi Con bởi Cha mà ra, Đấng mà Thánh Kinh đã mạc khải là “Ngay từ ban đầu đã có Ngôi Lời; Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Gn 1:1).

“Sự có” nơi mọi tạo vật không phải từ bản tính thần linh của Thiên Chúa mà có như thế, nên, nó không thể nào toàn hảo và viên mãn như chính “Sự Có” là Thiên Chúa, “Đấng Có” được.

Do đó, “sự có” nơi mọi tạo vật cần phải được thông hiệp với chính “Sự Có”, tức với chính Thiên Chúa, “Đấng Có” nữa, nó mới chân thật và hoàn bị. Càng thông hiệp với Thiên Chúa bao nhiêu, “sự có” nơi tạo vật càng chân thật và hoàn hảo, tức càng giống Thiên Chúa bấy nhiêu.

Theo bản tính bẩm sinh, Thiên thần và loài người là hai “sự có” nhất nhì trong mọi sự Thiên Chúa là “Đấng Có” dựng nên. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, một số thiên thần và loài người, vì không thông hiệp với Thiên Chúa là “Đấng Có”, trong việc tuân theo ý muốn của Ngài, mà “sự có” nơi những thành phần bất hạnh này đã bị hư đi.

Thế nhưng, là “Sự Có” vô cùng viên mãn, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự là để có thể tỏ hết Mình ra và thông hết Mình ra. Vậy, nếu tạo vật không nhận biết Ngài, không chấp nhận Ngài, như trường hợp của một số thần dữ và kẻ dữ chẳng hạn, thì làm thế nào Ngài có thể tỏ hết Mình ra và thông hết Mình ra được. Do đó, để đạt được ý định này của Mình, ý định muốn tỏ hết và thông hết Mình ra, Thiên Chúa phải dựng nên một tạo vật có khả năng nhận biết Ngài như Ngài muốn tỏ hết Mình Ngài ra và chấp nhận Ngài như Ngài muốn thông hết Mình Ngài ra.

Tạo vật vô cùng diễm phúc này là ai, nếu không phải là chính Mẹ Maria, Đấng mà thiên sứ tổng thần Gabriel

đã phải nghiêm cẩn kính chào Người là “Đầy Ơn Phúc” (Lc 1:28).  

“Thiên Chúa đã dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài” là thế.

 CHÂN LÝ 2:  

Thiên Chúa Yêu Mẹ Trên Hết Mọi Sự.

Vì muốn dựng nên Đức Maria cho Mình, một tạo vật duy nhất, theo khả năng tối đa của một tạo vật trong tình trạng “đầy ân phúc”, sẽ nhận biết Ngài như Ngài biết Ngài và sẽ yếu mến (chấp nhận) Ngài như Ngài yêu Ngài, một tạo vật có thể làm cho Ngài hoàn toàn mãn nguyện khi Ngài, nhờ đó, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan và ý muốn vô cùng toàn năng của Ngài, có thể tỏ hết Mình và thông hết Mình ra theo ý định của Ngài như thế, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không yêu dấu và qúi trọng Mẹ trên hết mọi sự hay sao?!

Có thể nói mà không sợ sai lầm là, trong ý định thông Mình ra bên ngoài, tạo vật mà Thiên Chúa nghĩ đến trước nhất và chú ý đến đầu tiên, đó là Mẹ Maria. Cũng có thể nói một cách không hồ nghi gì cả là, Thiên Chúa yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự, chỉ kém Ngài yêu chính Mình Ngài mà thôi, đúng hơn, Thiên Chúa yêu Ngài trong Mẹ Maria và yêu Mẹ Maria trong Ngài.

Từ hai chân lý trên, “Thiên Chúa dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài” và “Thiên Chúa yêu Mẹ trên hết mọi sự”, ba chân lý còn lại sẽ là kết quả tất yếu của hai chân lý này.

Chân Lý 3:  

Thiên Chúa Ban Chính Mình Ngài Cho Mẹ 

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa còn tiếc sự gì cùng Mẹ. Thiên Chúa đã chẳng ban chính Mình Ngài là Ngôi Lời nhập thể, “hiện thân đích thực của hữu thể Cha” (DT 1:3), cho Mẹ hay sao?

Không phải vì loài người bị hư đi bởi nguyên tội mà Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, mà Mẹ mới được Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Trên thực tế, sự kiện loài người sa ngã quả là cái cớ, là trường hợp, là nguyên nhân bên ngoài để Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ, để Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, là chính “Sự Có”, Thiên Chúa không thể bị chi phối bởi bất cứ một sự gì khác ngoài chính Mình Ngài. Bởi thế, chính vì Thiên Chúa muốn tỏ hết và thông hết Mình Ngài ra bên ngoài, mà Mẹ là tạo vật duy nhất đã được Ngài tuyển chọn, để, với tất

cả khả năng theo bản tính tự nhiên loài người song đã được “đầy ơn phúc” của mình, Mẹ có thể tiếp nhận Ngài cách trọn vẹn và làm cho Ngài hoàn toàn mãn nguyện theo ý định của Ngài.

Chân lý 4:  

Thiên Chúa Làm Những Sự Trọng Đại Nơi Mẹ

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa lại không để ý chăm sóc Mẹ hơn hết mọi sự, như chăm sóc chính Mình Ngài, bằng tất cả khôn ngoan và quyền năng của một vị Thiên Chúa toàn thiện hay sao?

Ngài đã chẳng làm cho Mẹ “những điều trọng đại” (Lc 1: 49), như Mẹ đã tuyên tụng trong ca vịnh Ngợi Khen của Người, là gì!

Về bản tính của Mẹ, bề trong, linh hồn Mẹ hoàn toàn Vô Nhiễm Nguyên Tội và, bề ngoài, thân xác Mẹ hoàn toàn khiết trinh.

Về đời sống của Mẹ, tinh thần Mẹ hoàn toàn siêu thoát và hiệp nhất với Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi sự.

Về khả năng của Mẹ, Mẹ vừa là một Trinh Nữ hiến dâng cho một mình Thiên Chúa chí thiện, chí tôn, chí ái, lại vừa là một Người Mẹ Sinh Con Thiên Chúa cho loài người.

Chân lý 5:  

Thiên Chúa Làm Mọi Sự Vì Mẹ Và Cho Mẹ.

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa đã chẳng làm mọi sự vì Mẹ và cho Mẹ hay sao, như Ngài đã vì Ngài và cho Ngài là Ngôi Lời mà dựng nên Mẹ? Có thể nói, Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả mọi sự cho Mẹ và dựng nên Mẹ cho chính Mình Ngài là Ngôi Lời nhập thể, Chúa Giêsu Kitô, Con Duy Nhất dấu yêu của Ngài.

Ngài đã chẳng dựng nên tất cả cho Mẹ để Mẹ làm Nữ Vương mọi sự trên trời dưới đất, như Ngài đã dựng nên mọi sự trên trái đất này để cho con người làm chủ chúng hay sao (x.STK 1:28-30)? Có thể nói, theo cấp trật ân sủng, các thần trời cũng được Thiên Chúa dựng nên cho Mẹ để các ngài là loài thiêng liêng sáng láng

có thể nhận biết Thiên Chúa nơi Mẹ và chúc tụng Mẹ nơi Thiên Chúa một cách tương đáng. Mẹ cũng là Nữ Vương của cả các thần trời là như thế.

Và, vì Đavít, tôi trung của Mình, Thiên Chúa với bát cứ giá nào vẫn bảo tồn giòng dõi của vua (x.1CV 11:34,39), Ngài cũng vì Mẹ là tạo vật được Ngài yêu qúi trên hết mọi sự mà cứu độ những gì Ngài đã dựng nên cho Mẹ, song vì nguyên tội, đã bị hư đi.

Không phải hay sao, Thiên Chúa đã chẳng lợi dụng dịp sa ngã của hai nguyên tổ loài người để tỏ cho con người thấy rằng, nhờ Mẹ, tạo vật được Ngài yêu qúi trên hết mọi sự mà họ là giòng dõi của Người, họ sẽ được Ngài cứu độ hay sao, khi Ngài tuyên án con cựu xà Satan: “Ta sẽ gây thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, Người sẽ đạp nát đầu ngươi khi ngươi rình cắn gót chân Người”

(STK 3:15).Trong ánh sáng của 5 chân lý về Mầu Nhiệm Maria trên đây, chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội” đã hoàn toàn được sáng tỏ.

Trước hết, về bản chất của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo nguyên tắc, trong thượng trí Thiên Chúa, Mẹ Maria “có” trước hết mọi sự, tất nhiên có trước cả hai nguyên tổ, như Chúa Giêsu dù chưa đầy 50 tuổi cũng đã có trước Abraham (x.Gn 8:57-58), do đó, nguyên tội và những gì hư hỏng nơi bản tính loài người do nguyên tội gây nên sẽ không hề có liên can gì đến Mẹ cả.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì được xuất thân từ giòng dõi loài người sau khi bản tính của họ đã bị băng hoại, theo tự nhiên, Mẹ cũng bị nhiễm nguyên tội như tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này. Thế nhưng, nếu Mẹ Maria cũng nhiễm nguyên tội như mọi người sinh ra trên thế gian này như vậy, ý định tỏ hết và thông hết mình ra của Thiên Chúa không thể nào thực hiện được nơi Mẹ.

Vẫn biết, là Đấng tự hữu và hằng hữu, tuyệt đối tự do và vô cùng toàn năng, làm gì cũng được, Thiên Chúa có thể thực hiện ý định này của Ngài một cách hết sức dễ dàng, như Ngài tỏ hết và thông hết Mình ra cho các thiên thần là loài có bản tính bẩm sinh cao trọng hơn loài người và hơn mọi loài Thiên Chúa tạo dựng nên. Thế mà, Thiên Chúa vẫn không làm. Bởi vì, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của Mình, Thiên Chúa chỉ muốn dựng nên một tạo vật duy nhất là Đức Maria cho một Mình Ngài mà thôi, và, theo bản tính vô cùng toàn thiện chí ái của Ngài, cũng chỉ có một mình tạo vật duy nhất vô cùng diễm phúc này mới được Ngài tỏ hết và thông hết Mình Ngài cho mà thôi.

Do đó, Mẹ Maria không thể nào nhiễm nguyên tội được cả. Thiên Chúa đã miễn trừ cho Mẹ. Cách thức Thiên Chúa miễn trừ nguyên tội cho Mẹ, đó là, như loài người, cũng như mọi sự trên trời dưới đất, đã được dựng nên cho Mẹ và nhờ Mẹ mà được Thiên Chúa cứu độ thế nào, Mẹ Maria cũng được dựng nên cho Ngôi

Lời và nhờ Ngôi Lời nhập thể mà được miễn nhiễm nguyên tội như vậy. Bởi thế, khi đầu thai làm người, Mẹ Maria “là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, như Mẹ đã tự xưng với chị Bernadetta ở Lộ Đức ngày 25/3/1958, và như Mẹ muốn xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Thánh Cha Piô IX tuyên bố hơn ba năm về trước, ngày 8/12/1954.

Như thế, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria chẳng khác nào như một tấm gương tinh trong để Thiên Chúa tỏ hết và thông hết mình ra cho Mẹ, và, qua Mẹ, cho mọi tạo vật nói chung và loài người nói riêng. Có thể ví bản tính loài người hữu hình của Mẹ như lớp sơn ở đằng sau tấm gương, và đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ là mặt kính tuyệt đối tinh trong ở đằng trước tấm gương, mặt kính có đặc tính và khả năng phản ảnh Thiên Chúa Thần Linh “là Đấng Có” đã nhập thể và thực sự hiện diện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà "ai thấy Ta là thấy Ta" (Gn 14:9), hết sức sống động trong gương Maria.

Sau nữa,  về giá trị của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

Đối với hai nguyên tổ, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ Maria “đầy ơn phúc” hơn các ngài.  

Bởi vì, ngay từ ban đầu, hai nguyên tổ tuy ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, còn trong trắng như trẻ

thơ trước mặt Chúa, đến nỗi trần truồng mà vẫn không biết xấu hổ (x.STK 2:25). Tuy nhiên, sự trong trắng

nguyên thủy này của hai nguyên tổ, so với Mẹ Maria được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, vẫn không phải

là tình trạng trọn hảo trong ân sủng, tình trạng “đầy ơn phúc” như Mẹ, một tình trạng chỉ xẩy ra trong Đấng

“đầy ân sủng và chân lý” (Gn 1:14) là Ngôi Lời nhập thể để “cho chiên được sống và sống viên mãn hơn” (Gn 10:10).

“Chiên” của Thiên Chúa đây là gì, nếu không phải là “những kẻ được Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29).

“Được sống viên mãn hơn”đây là gì, nếu không phải “được thông chia hình ảnh Con Ngài” (Rm 8:29), Đấng “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), một hình ảnh đã hiện diện tỏ tường nơi tấm gương Maria, qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đối với Satan, “tên sát nhân ngay từ ban đầu” (Gn 8:44), đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ siêu thoát khỏi quyền lực tối tăm của hắn.

Thánh Kinh đã diễn thuật sự kiện này qua hình ảnh: “Khi con rồng thấy mình bị hất nhào xuống đất, hắn

liền đi săn đuổi người nữ sinh con trai. Nhưng người nữ được ban cho đôi cánh đại bàng để có thể bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn ... Không bỏ cuộc, con rắn phun ra từ miệng hắn một giòng cuồng

lưu để tra tầm và tiêu diệt người nữ. Bấy giờ, để đỡ cho người nữ, đất mở miệng nuốt lấy giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra” (KH 12:13-16).

“Giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra” đây là gì, nếu không phải là những lời hắn đã cám dỗ Evà (x.STK 3:1,4-5).

“Đất mở miệng nuốt lấy giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra để đỡ cho người nữ” đây là gì, nếu không phải là nhân tính của con người, qua hai nguyên tổ, đã sa ngã phạm tội khi chấp nhận cám dỗ của con rắn.

“Đôi cánh đại bàng” để người nữ bị con rồng lùng giết có thể bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn đây là gì, nếu không phải đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Đối với chính mình, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ, ngay từ giây phút được đầu thai trong lòng bà thánh Anna, đã được hiệp nhất với Thiên Chúa và thánh thiện hơn mọi thần thánh hợp lại.

Để rồi, với đôi cánh Vô Nhiễm Nguyên Tội này, Mẹ có thể bay cao cho tới tuyệt đỉnh trọn lành như Thiên Chúa mong muốn khi ban cho Mẹ đôi cánh mãnh lực này. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội thật sự là một đôi cánh cho Mẹ Maria, ở chỗ, nhờ đặc ân này, Mẹ không hề có tình dục, đam mê, tính hư hay nết xấu gì, là những chất độc chết người luôn hành hạ con người nhiễm lây nguyên tội vì bị con cựu xà mang đầy nọc độc sự chết cắn phải. Tuy nhiên, không phải vì không có tình dục, đam mê, tính hư hay nết xấu gì mà Mẹ Maria không thể phạm tội được nữa.

Hai nguyên tổ, khi còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, phần hạ vẫn chưa biến loạn và lấn át phần thượng như sau khi các ngài sa ngã, thế mà, các ngài vẫn có thể phạm tội. Nếu nói rằng lý do con người sa ngã là do bị cám dỗ, không bị cám dỗ, chưa chắc con người đã sa ngã, thì, các thiên thần, một đàng không có xác thịt, đáng khác lại không bị cám dỗ gì cả, thế mà, một số trong các ngài vẫn có thể phạm tội. Giả sử Mẹ Maria cứ nhất định giữ mình đồng trinh, không “xin vâng” ý muốn của Thiên Chúa, được loan báo cho Người qua tổng thần Gabriel, trong việc thụ thai Lời nhập thể, thì Mẹ đã không làm mất lòng Thiên Chúa là gì, tức là đã phạm tội vậy.

Phải, chính đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội đã làm cho Mẹ Maria bay tới tuyệt đỉnh trọn lành như Thiên Chúa muốn, đến nỗi, như các thánh nói, Mẹ đã chạm đến biên giới của bản tính Thiên Chúa.

Theo nguyên tắc, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội đúng là căn nguyên trọn lành của Mẹ, cũng như Thánh Sủng là nguyên lý sống đời đời của các chi thể thuộc nhiệm thể Chúa Kitô. Tuy nhiên, trên thực tế, dù sao, Thánh Sủng, đối với bản tính của con người, cũng chỉ là tùy phụ và lệ thuộc vào bản tính của con người, như hạt giống đối với mảnh đất mà nó được gieo vào vậy. Hạt giống Thánh Sủng chỉ lớn lên khi gặp mảnh đất nhân tính tốt mà thôi.

Cũng thế, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ Maria thực sự là mặt gương phản ảnh Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình và thông hết Mình ra qua Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, nếu Mẹ luôn biết “Xin Vâng”. Nhưng, Mẹ làm sao có thể “Xin Vâng” cho đến cùng, cả những điều mà, theo Mẹ “thành sự sao được” (Lc 1:34), nếu Mẹ không tự “bỏ sự sống mình đi” (Mt 16:25).

Vâng, chính tác động “bỏ sự sống mình sẽ giữ được nó” (Mt 16:25) này của Mẹ là tác động của lòng muốn, mà con tim là biểu hiệu cho sự sống. Mẹ Maria giữ được sự sống đây là Mẹ giữ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Chúa đã ban cho Mẹ, là Mẹ luôn phản ảnh Thiên Chúa.

Từ những suy diễn trên, chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội”có thể được tóm gọn:

Trái Tim Mẹ luôn nhận biết và kính mến Thiên Chúa bằng tinh thần “Xin Vâng”, nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã phản ảnh Thiên Chúa là Thần Linh, Đấng tỏ hết và thông hết Mình ra nơi Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô.

Muốn nhận biết Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình ra, và muốn hiệp nhất với Ngài, Đấng thông Mình ra, con người không thể không nhìn nhận và tôn sùng bức gương phản ảnh Thiên Chúa là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ.